Thứ Năm, 26 tháng 5, 2016

Bí Quyết Dạy Trẻ Vượt Qua Thất Bại

Nếu bạn vẫn tôn trọng kể cả trong thời điểm con cư xử không tốt, trẻ sẽ hiểu và thực hiện những hành vi đúng với bạn mong đợi.
Nếu bạn vẫn tôn trọng kể cả trong thời điểm con cư xử không tốt, trẻ sẽ hiểu và thực hiện những hành vi đúng với bạn mong đợi.

Trò chuyện với phụ huynh tại Hội quán các bà mẹ TP HCM, tiến sĩ Vũ Thu Hương (giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, trong quá trình nuôi dạy con, nhiều cha mẹ thường chỉ tập trung giáo dục phương pháp làm sao để giành chiến thắng và có điểm số cao mà quên dạy trẻ cách đối diện với khó khăn, thất bại trong cuộc sống. Hệ lụy là khi gặp phải những tình huống khó khăn hay thất bại trong học hành, tình cảm, đứa trẻ gần như mất phương hướng, thậm chí có thể hành động dại dột hủy hoại bản thân chỉ vì không chịu nổi áp lực.



[​IMG].



Theo tiến sĩ Thu Hương, cách hành xử của cha mẹ trong mọi tình huống sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thái độ ứng xử của con trẻ trong hoàn cảnh tương tự. Chẳng hạn có bà mẹ òa khóc khi con trượt trong kỳ thi hát, vẽ ở trường. Một số sẵn sàng ăn miếng trả miếng khi nghe cô giáo chê bai con mình thẳng thừng. Nhiều phụ huynh chứng kiến con thất bại lại đánh đòn. Không ít ông bố bà mẹ nói xấu giáo viên ngay trước mặt con chỉ vì bực tức. Điều này vô hình chung làm đứa trẻ hiểu rằng đó là thái độ đúng đắn, từ đó chúng sao chép và lặp lại khi có điều kiện tương tự.

"Người nào cũng có những lúc chưa thành công trong cuộc đời do quá kỳ vọng vào việc gì đó, khi kết quả không như mong muốn thì thấy thất vọng. Ai cũng nói 'thất bại là mẹ thành công', nhưng nếu không biết rút kinh nghiệm thì thất bại sẽ chỉ là mẹ thất bại và còn kéo theo một vài tính xấu nữa, chẳng hạn thái độ bao biện", tiến sĩ Hương lưu ý.

Ngược lại, trong một số trường hợp, cách cư xử khôn khéo và hợp tình hợp lý của cha mẹ sẽ phát huy tác dụng giáo dục tốt, giúp con hiểu được đâu là đúng - sai. Từ đó trẻ sẽ biết cách điều chỉnh hành vi cho phù hợp với kỳ vọng tốt đẹp của cha mẹ.

Như trường hợp chị Hạnh (quận 2, TP HCM) có con gái tên Loan, học lớp 2. Bé sở hữu giọng hát khá hay và truyền cảm. Một lần đi hát ở trường, Loan đơn ca rất hay và được cô giáo đánh giá cao. Khi tập hát đồng ca, bé không chịu hát chung với đội văn nghệ trường mà cứ đòi hát một mình. Chứng kiến cảnh ấy, chị Hạnh đề nghị cô giáo cứ cho con ra khỏi đội với lý do là con chưa tự tin khi hát cùng dàn đồng ca.

Nghe tin bị loại, cô con gái lao về phía mẹ, tỏ thái độ vô cùng thất vọng và òa khóc. Lúc đó người mẹ trẻ ôm lấy con, xoa lưng an ủi và ra hiệu cho cô giáo đừng lại gần khi cô định đến bên an ủi 2 mẹ con. Sau khi con đã nguôi ngoai, chị Hạnh lấy ra một tờ giấy và dặn con hãy ghi ra câu trả lời vào chỗ trống như sau: Để không bị loại, con phải... Nếu con... thì con sẽ không bị loại. Nếu con... thì cô sẽ loại con.

Bé Loan đã điền vào những chỗ trống đúng như mong mỏi của chị Hạnh như sau: Để không bị loại, con phải tập hát đồng ca với các bạn. Nếu con chịu tập hát đồng ca thì con sẽ không bị loại. Nếu con cứ đòi hát một mình thì cô sẽ loại con.

Sau khi con viết, chị Hạnh đọc lại và bảo bé rằng: "Mẹ rất thương khi con bị loại, nhưng mẹ nghĩ con sẽ thành công lần tiếp theo". Mặc dù còn rất buồn, nhưng sau lần đó, con gái của chị đã khiêm tốn và ngoan hơn nhiều.

Để biết cách cùng con vượt qua những áp lực, thất bại trong cuộc sống, tiến sĩ Thu Hương có một số gợi ý với phụ huynh như sau:

- Các dấu hiệu nhận biết trẻ đang bị áp lực: Hàm răng nghiến chặt, cơ thể căng thẳng, nhịp thở tăng... Nếu đã nhận ra những biểu hiện đó, hãy giúp loại bỏ chúng khỏi con bạn. Hãy hợp tác cùng con để giải quyết vấn đề. Hãy nhớ rằng thất bại sẽ là bài học rất tốt cho trẻ nếu như bố mẹ biết cách xử lý.

- Đừng trách mắng khi con thất bại vì chính các em đang đau khổ lắm rồi. Thay vào đó, hãy tìm cách an ủi và giúp con nhận ra sai lầm của mình.

- Có thể đưa con đi tìm những cách để giảm căng thẳng, áp lực như đi chơi núi, học bơi, thể thao...

- Hãy nói cho con hiểu rằng ai cũng rất mệt khi leo núi, đến lưng chừng đã muốn nghỉ và đi xuống. Nhưng quang cảnh nhìn từ trên núi xuống là phần thưởng chỉ dành cho những người đã leo đến đích. Từ đó hãy cổ vũ, khuyến khích trẻ leo núi và tận hưởng cảm giác chiến thắng.

- Tôn trọng trẻ ngay cả khi chúng không tốt: Nếu bạn vẫn tôn trọng bé kể cả trong thời điểm bé có cư xử không tốt, con bạn sẽ biết những hành vi mà bạn mong đợi từ bé. Điều này cũng sẽ củng cố hành vi tích cực. Ngay cả ở trường, giáo viên có thể sử dụng kỹ thuật này bằng cách nhận xét như: "Con hôm qua rất ngoan, chắc hôm nay con hơi mệt thôi".

- Trẻ em thường làm theo gương của cha mẹ. Nếu bạn bị mất kiểm soát khi tức giận và bắt đầu la hét hoặc đánh người, thì con bạn cũng sẽ “sao y bản chính”. Bạn không thể mong đợi bé thay đổi hành vi của mình nếu bạn tự mình "nổ" mỗi khi bị áp lực.

- Gần gũi: Một trong những sai lầm lớn nhất cha mẹ mắc phải là tự tách mình ra khỏi con cái khi chúng đang lớn lên. Nếu biết quan tâm đến những gì bé đang làm, bạn có thể giúp làm dịu cơn giận của con. Hầu hết đứa trẻ tức giận hoặc cư xử không thích hợp thường ít được bố mẹ chú ý. Đừng khó chịu nếu con bạn muốn cùng bạn tham gia một số hoạt động, hãy xem đây là cơ hội vàng để gắn bó với chúng.

- Thiết lập giới hạn khi còn nhỏ: Nếu bạn quá nuông chiều con trong những năm đầu đời thì sau này bé sẽ đòi bạn đáp ứng tất cả nhu cầu cao hơn. Nếu bạn từ chối yêu cầu, bé sẽ nổi giận, nhưng bạn cần phải nói "Không" với con trong những trường hợp nhất định, để bé biết rõ ràng về các giới hạn.

- Dạy cho trẻ cách giao tiếp hiệu quả sẽ có tác dụng rất lớn trong việc đối phó với cơn giận giữ của chúng sau này. Cố gắng dạy cho bé cách thể hiện tình cảm thái độ bằng lời nói thay vì chửi bậy. Chúng cần được biết rằng để chứng minh một điều gì đó không nhất thiết phải sử dụng những lời lẽ thô tục, có thể giúp bé hiểu bằng trường hợp cụ thể.

- Không nên áp dụng hình phạt thể chất. Một hình phạt tốt sẽ giúp cho sự phát triển của trẻ, bạn có thể sử dụng những cách khác nhau thay vì đánh, mắng trẻ. Hãy nhớ rằng cách bạn cư xử với con khi đang tức giận sẽ đặt nền móng cho sự tức giận của bé sau này.

- Tâm sự: Khi cha mẹ tạo một mối quan hệ thân tình với con cái như bạn bè, trẻ sẽ tin tưởng thổ lộ những vui buồn của chúng để cha mẹ có lời khuyên kịp thời với những bức xúc chúng gặp trong đời.

Dạy Con Biết Xin Lỗi Khi Làm Sai

Những cách dưới đây giúp bạn hướng dẫn con hiểu được ý nghĩa của việc xin lỗi chứ không phải xin lỗi một cách miễn cưỡng.

[​IMG]

Lùi một bước

Nếu con vì tức giận mà đẩy bạn khác ngã, thay vì yêu cầu con xin lỗi ngay lập tức, bạn cần giúp con bình tĩnh trước tiên. Nếu bạn khăng khăng bắt bé xin lỗi khi bé vẫn đang buồn, bé sẽ không hiểu hành vi của bé ảnh hưởng tới người khác như thế nào. Khi bé bình tĩnh, bé sẽ biết cảm thông và hiểu được hành động của mình là sai. Việc đó sẽ giúp bé biết hối hận và biết kiểm soát xung đột tốt hơn về sau. Nếu bé la hét khi bạn yêu cầu bé dọn bàn ăn, nếu bạn bắt bé xin lỗi ngay “Chúng ta không nói chuyện theo cách này, con cần xin lỗi mẹ ngay lập tức” sẽ chỉ khiến cho tình huống leo thang và khiến bé cảm thấy tồi tệ hơn do bị mẹ la mắng chứ không phải là việc nói năng thô lỗ với bạn. Thay vì vậy, bạn có thể nói “Con nói như vậy khiến mẹ buồn đấy. Mẹ yêu con, nhưng chúng ta cần vài phút để bĩnh tĩnh và quay lại sau tiếp tục nói chuyện sau.”

Nhìn nhận lại những gì đã xảy ra.

Khi bé bình tĩnh hơn, bạn có thể nói về hành vi của bé ảnh hưởng tới người khác như thế nào. Bạn có thể hỏi những câu hỏi giúp bé biết cảm xúc của người khác như “Con sẽ cảm thấy như thế nào nếu điều đó xảy ra với con?” Bạn cũng có thể giúp bé nhớ lại một sự việc tương tự “Con có nhớ là con đã buồn như thế nào khi bạn A mắng con không? Đấy, bây giờ bạn B cũng cảm thấy tương tự như vậy.” Sau đó, bạn có thể cùng con nghĩ ra những cách để giải quyết xung đột vào lần tới. Bạn có thể hỏi con “Con sẽ làm điều gì khác?” hoặc “Lần tới, nếu xảy ra việc tương tự con có thể làm gì tốt hơn?” để giúp bé nghĩ về những việc có thể xảy ra. Nếu con bạn buồn vì em không chia sẻ đồ chơi hoặc ném đồ chơi khắp phòng, bạn gợi ý bé lần sau có đi ra khỏi phòng hoặc nói với em “Không được làm việc đó”.

Làm gương

Một trong những cách dạy hiệu quả nhất là chính hành vi của bạn. Con bạn sẽ quan sát những việc bạn làm. Nếu bạn mắng bé khi ngắt lời bạn, bạn có thể nói “mẹ xin lỗi mẹ vì đã không trả lời con lịch sự. Trong lần tới, mẹ sẽ cố gắng bình tĩnh hơn khi mẹ cảm thấy thất vọng.” Lời xin lỗi này sẽ dạy bé: Nhận trách nhiệm và có một kế hoạch cho lần tới. Khi bé thấy cách làm này lặp đi lặp lại, bé sẽ học theo.

Đền bù thiệt hại

Hành động cụ thể để thay lời xin lỗi sẽ giúp trẻ học hỏi được nhiều điều hơn. Nếu con bạn gọi bạn bè bằng biệt danh, bạn có thể hỏi con: “Con làm gì để bạn cảm thấy thoải mái hơn?” Bé có thể gợi ý con có thể ôm bạn hoặc chia sẻ một món đồ chơi đặc biệt nào đó. Giống như lời nói “tôi xin lỗi”, cử chỉ này giúp trẻ có tinh thần trách nhiệm với lỗi cụ thể. Tất nhiên, bé có thể vẫn sẽ từ chối xin lỗi ngay cả khi bạn đã hướng dẫn bé phản ứng phù hợp. Trong trường hợp này, bạn có thể tránh xung đột, và biết rằng bạn sẽ có cơ hội khác để dạy bé lời xin lỗi. Khi bé xin lỗi, bạn có thể khích lệ con “Con sẽ cảm thấy tự hào khi làm bạn cảm thấy tốt hơn!”